Kí ức xưa qua những phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam

Ngày:10/09/2019 lúc 10:31AM

Mục lục [Ẩn]

Cuộc sống ngày càng bận rộn, hiện đại hơn đã làm Tết ngày nay khác xưa rất nhiều. Nhiều người cho rằng Tết bây giờ không còn đặc biệt như Tết xưa nữa, chỉ là một kỳ nghỉ dài bình thường như bao kỳ nghỉ trong năm mà thôi, bạn nghĩ sao ? Với VOVE dù là Tết xưa hay Tết nay thì ngày Tết vẫn luôn nguyên vẹn, là thời điểm mọi công việc được gác lại để chuẩn bị đón năm mới một cách chu tất, tốt nhất. Và dù có qua bao năm tháng, đổi thay, những phong tục ngày Tết cổ truyền của người Việt vẫn luôn được coi trọng và thực hiện một cách cẩn thận, chỉn chu.

Phong tục ngày tết cổ truyền

Các phong tục ngày Tết nguyên đán có gì đặc biệt và gồm những phong tục nào, hãy cùng chúng tôi điểm lại như một chuyến đi về lại những miền kí ức xưa nhé!

1. Phong tục cúng ông Công, ông Táo

Cứ đến ngày 23 tháng 12 âm lịch, mọi người thường làm mâm cơm cúng ở gian bếp và thả cá chép ra sông để cúng ông Công ông Táo về trời. Phong tục này bắt nguồn từ rất lâu đời và đây là ngày về trời của ông Công ông Táo, báo cáo mọi việc trong năm vừa qua với Ngọc Hoàng.

Mâm cúng ngày 23 tháng 12 âm lịch

Hiện nay, phong tục ngày Tết này được nhiều gia đình thực hiện và ngày 23 tháng chạp cũng là ngày cận kề Tết Nguyên Đán tới, mọi người cũng đã rục rịch chuẩn bị sắm Tết, chào đón năm mới.

2. Phong tục chơi hoa ngày Tết

Khi hoa đào, hoa mai, quất vàng nở chín báo hiệu mùa xuân, Tết đang đến gần. Người Việt sẽ sắm trồng cây đào, quất, mai trong nhà mang ý nghĩa sự sinh sôi nảy nở, tươi tắn, thịnh vượng...

Do điều kiện khí hậu khác nhau nên ở miền Bắc và miền Nam sẽ chơi các loại hoa khác nhau. Miền Bắc chủ yếu chơi hoa đào và quất, còn ở miền Nam chủ yếu là chơi hoa mai. Đến ngày 20 tháng 12 âm lịch mọi người đã nô nức đi chọn chậu đào, mai, quất để về trưng trong nhà chờ đón Tết đến.

3. Phong tục gói bánh chưng

Bánh chưng thường được gói bằng gạo nếp cái hoa vàng, hạt đậu xanh bóc vỏ, thịt ba chỉ, lá rong và được đun nấu trong khoảng 12h đồng hồ.

Loại bánh này thường được gói từ ngày 25 Tết và đây cũng là quà tặng Tết ý nghĩa với nhiều người, đặc biệt là những ai tha hương không có điều kiện ăn Tết ở quê nhà.

Gói bánh chưng ngày Tết

4. Phong tục dọn dẹp nhà cửa

Những ngày cuối năm, đặc biệt là từ ngày 28, 29 Tết sẽ là ngày nhà nhà dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà cửa, đồ đạc trong nhà để đón một năm mới nhiều tài lộc, may mắn, nhà cửa sạch sẽ, thơm tho đón Tết.

Phong tục ngày Tết dọn dẹp nhà cửa cũng mang ý nghĩa sắp xếp, cân đối lại những gì chưa ổn thỏa, hợp lý trong nhà và bỏ đi những điều không may mắn của năm cũ.

5. Thăm mộ tổ tiên

Ngoài ngày Tết thanh minh, thì ngày Tết Nguyên Đán cũng là ngày con cháu sẽ ra dọn dẹp lại mộ tổ tiên, thắp hương tưởng nhớ về người thân đã khuất của mình. Đây là phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam để tỏ lòng kính trọng, biết ơn với những người đã khuất.

Thường con cháu sẽ ra thăm mộ, thắp hương vào những ngày cuối tháng chạp.

6. Phong tục cúng tất niên

Người Việt rất quan trọng ngày cuối năm cũ và ngày đầu năm mới. Vì vậy cúng tất niên là phong tục ngày Tết cổ truyền rất được coi trọng và thực hiện đầy đủ.

Cúng tất niên sẽ được làm từ ngày 27 tháng chạp trở đi và thường được làm trong ngày 30 Tết. Ý nghĩa của phong tục này là mời người đã khuất, thần linh về ăn Tết cùng gia đình, báo cáo một năm vừa kết thúc và chuẩn bị chào đón năm mới.

Mâm cơm cúng tất niên

7. Phong tục đón giao thừa

Khoảnh khắc đón giao thừa là giờ phút rất thiêng liêng, quan trọng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đây cũng là dịp gắn kết, sum họp đầy đủ các thành viên trong gia đình với nhau.

Gia đình, người thân cùng đón giao thừa sẽ mang ý nghĩa hạnh phúc, êm ấm và thịnh vượng. Lễ cúng giao thừa cũng rất được coi trọng, nhiều gia đình sẽ làm mâm cơm cúng giao thừa ở nhà hoặc mang ra đình, chùa làm lễ để thần linh chứng giám.

8. Tục xông đất đầu năm

Người Việt cực kỳ coi trọng người xông đất, người này sẽ mang vận đỏ, sự thịnh vượng, may mắn, phát tài hay xui xẻo trong một năm mới. Vì thế, nhiều gia đình rất kén tuổi xông đất, hợp với gia chủ để mang lại điều tốt lành nhất cho năm mới.

Ý nghĩa phong tục ngày Tết xông đất rất được xem trọng, vậy nên đêm giao thừa hoặc ngày mồng 1 Tết bạn nên cân nhắc khi đến chúc Tết gia đình nào đó.

9. Phong tục hái lộc

Hái lộc đầu xuân, nhất là vào đêm giao thừa và sáng sớm mồng 1 Tết thường mang ý nghĩa mang lại may mắn, tài lộc cho gia đình. Nhất là người xông đất hái lộc vào cho gia chủ mang ý nghĩa mang tài lộc, may mắn, thịnh vượng.

Tết là ngày đoàn viên, sum vầy

10. Phong tục lì xì

Lì xì trẻ nhỏ và người già mang ý nghĩa chúc thọ, mừng tuổi và chúc các em nhỏ học giỏi, chóng lớn, khỏe mạnh, nhiều may mắn. Lì xì cũng mang ý nghĩa phát lộc, chia sẻ niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.

Hiện nay phong tục ngày Tết Nguyên Đán lì xì đầu năm mới cũng được các cơ quan, công ty áp dụng, thực hiện như để động viên, chúc may mắn cho nhân viên, tạo động lực, hứng khởi cho một năm mới làm việc thật hay say hiệu quả.

11. Phong tục đi chúc Tết

Tết là dịp người thân, bạn bè, đồng nghiệp có thời gian gặp gỡ, ngồi lại với nhau lâu hơn. Đi chúc Tết giúp mọi người kết nối với nhau hơn, tạo sự gắn kết về tình cảm và cũng là dịp để hàn huyên tâm sự và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.

12. Phong tục tặng quà ngày Tết

Tặng quà Tết là một trong những phong tục không thể thiếu của người Việt. Tùy từng đối tượng sẽ tặng những món quà Tết khác nhau. Ví dụ, tặng sếp, lãnh đạo bạn nên tặng rượu vang, những món đồ đắt tiền, có giá trị; còn với người thân trong gia đình nhất là các bà nội trợ bạn nên tặng họ những vật phẩm nhà bếp thiết yếu như những loại hạt gia vị, gạo, đồ chế biến thức ăn hay đơn giản chỉ là những chiếc tạp dề, nồi nấu…

Tặng quà Tết người thân

Qùa tặng Tết ý nghĩa nhất khi bạn biết người thân, sếp, bạn bè của mình thích gì và hơn cả là bạn đặt cái tâm, coi trọng và luôn nghĩ về họ thế là đủ. Đôi khi với những người thân yêu, tặng quà gì không quan trọng, quan trọng là cách bạn cư xử với họ ra sao.

13. Phong tục đi lễ chùa đầu năm

Đây là một trong những phong tục rất lâu đời của người Việt, với ý nghĩa đầu năm đi chùa thắp hương, xin lộc của nhà chùa để lấy may, cầu bình an, hạnh phúc, vui vẻ…

Đầu năm đi chùa, nhiều người cũng muốn xin chữ lấy may và cầu bình an, phúc lộc. Thường mọi người sẽ đi chùa nhiều nhất trong khoảng hết tháng giêng và các lễ hội sẽ được tổ chức ở nhiều ngôi chùa được xem là tín ngưỡng tâm linh, nét đẹp văn hóa cổ truyền của người Việt từ xa xưa mà ít đất nước nào có được.

Đặc trưng của ngày Tết Việt Nam có nhiều nét riêng biệt, độc đáo mà hiếm đất nước nào có được. Đây cũng được xem là nét đẹp văn hóa, giá trị tinh thần của người Việt. Tết cổ truyền giúp mọi người gần nhau hơn, có thời gian sum họp bên người thân yêu sau một năm tha hương nơi xứ người.

Là người Việt, bạn nhất định phải biết phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam có những phong tục gì nổi bật và đặc trưng ý nghĩa của nó với Tết và với mọi người. Dù qua bao năm tháng, VOVE tin rằng những phong tục cổ truyền cũng như những giá trị truyền thống được ông cha để lại trong dịp Tết sẽ luôn trường tồn và sống mãi cùng đất nước, con người Việt Nam.

Admin

KHÔ CÁ LÓC CÀ MAU

Dai, ngon, ngọt tự nhiên

Giao hàng nhanh chóng, thanh toán linh hoạt

MUA NGAY!

 

BÌNH LUẬN

Bình luận

X